Phó Tổng giám đốc EVERPIA: Việt Nam tham gia TPP, chúng tôi có thể mua nguyên liệu trong nước

Ngày 7/10/2013, CTCP Everpia Việt Nam (mã EVE) đã nhận được công văn thay đổi Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy phép kinh doanh. Theo đó Everpia được mở rộng ngành nghề kinh doanh phân phối các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ và các chất liệu khác (Everon Furniture), bộ đồ ăn, đồ nhà bếp, đồ vệ sinh, đồ dùng văn phòng, đồ trang trí nội thất…
Trước việc mở rộng ngành nghề mới của Everpia và cơ hội của ngành dệt may khi Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi đã có trao đổi với ông Cho Yong Hwan, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Everpia về triển vọng của ngành dệt may trong giai đoạn tới.
Thưa ông, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nếu Việt Nam đàm phán thành công hiệp định TPP, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được yêu cầu “từ sợi trở đi”, theo ông nguyên nhân này do đâu?
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng nhằm mục đích giảm thuế đối với các sản phẩm giao dịch từ 12 quốc gia, hiện bao gồm Mỹ, New Zealand, Brunei, Chile, Việt Nam, Singapore, Australia, Peru, Malaysia, Canada , Mexico và Nhật Bản. Các công ty dệt may Việt Nam có thể được giảm thuế xuất khẩu xuống 0% nếu tham gia hiệp định TPP.
Việt Nam hiện đang đấu tranh quyết liệt về yêu cầu “từ sợi trở đi” của TPP, một trong những quy định khắt khe nhất về xuất xứ đối với hàng dệt may để được hưởng mức thuế suất 0%. Để đảm bảo được quy định này, loại sợi (fibers) có thể được sản xuất trong bất cứ nước nào(yarn) và sản xuất giai đoạn sau sợi, trong đó bao gồmcủa sợi /chỉ, dệt và đan vải, lắp ráp các sản phẩm cuối cùng phải có nguồn gốc từ các nước thành viên TPP. Việt Nam vẫn đang tranh cãi cho yêu cầu ít hạn chế hơn là “cắt và may” (cut & sew).
Các công ty sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may phát triển rất chậm chạp ở Việt Nam và do đó vải và các nguyên liệu thô đa phần được nhập khẩu, mà chủ yếu là các nước ngoài TPP như Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nước thành viên TPP không phải là nước mạnh về sản xuất và xuất khẩu sơi và các sản phẩm sau sợi. Trong khi đó, theo thỏa thuận, nguyên liệu phải có nguồn gốc từ các nước thành viên TPP.
Ông có nghĩ rằng khi Việt Nam gia nhập TPP, các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của TPP sẽ nhận được làn sóng đầu tư lớn trong khi các doanh nghiệp còn lại sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn?
Nếu quy tắc “từ sợi trở đi” chiếm ưu thế, nó mở ra cơ hội đầu tư mới vào ngành công nghiệp sản xuất vật liệu. Vì vậy, chúng tôi có thể mua nguyên liệu tại Việt Nam. Ngoài ra, các đơn hàng gia công tăng sẽ khiến chúng tôi bán được nhiều bông (padding) hơn.
Lấy ví dụ từ năm 2012, nhiều nhà sản xuất nước ngoài về sợi, chỉ sợi và may mặc đã đến Việt Nam để đầu tư nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể như gần 10 tập đoàn dệt may toàn cầu đã đề nghị thành lập liên doanh với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) hoặc các công ty con của Vinatex để làm vật liệu dệt may địa phương. Hay như liên doanh nhuộm và dệt may được thành lập đầu tiên ở Việt Nam, công ty dệt may Thiên Nam Sunrisse, một liên doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đầu tư 24 triệu USD vào một dự án sản xuất vải dệt ở Nam Định; tập đoàn dệt may Texhong, một công ty Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về vải cotton trên thế giới đã đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy sợi mới ở Quảng Ninh;
TAL Group, một nhà sản xuất may mặc Hồng Kông đã thành lập một nhà máy trị giá 40 triệu USD ở Việt Nam từ năm 2004 và họ đang có ý định đổ thêm 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới trong năm nay. Gần đây, vào tháng 5/2013, công ty dệt Kyung Bang của Hàn Quốc vừa khai trương nhà sản xuất sợi đầu tiên trị giá 140 triệu USD ở tỉnh Bình Dương.
Các doanh nghiệp dệt may hiện tại đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, giá bông thế giới đã đi qua vùng đáy và đang có dấu hiệu tăng trở lại, giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng có ảnh hưởng quá lớn đối với doanh nghiệp dệt may không thưa ông?
Chi phí nguyên vật liệu và chi phí sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và tiêu thụ vì thế mà ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận. Biên lợi nhuận của ngành dệt may bị ảnh hưởng bởi chi phí nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, kênh phân phối và chiết khấu cho các đại lý. Chi phí đầu vào tăng trong tương lai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận nếu công ty không tăng giá để bù đắp chi phí tăng.
Quan điểm của EVE là duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt với nhiều nhà cung cấp và hệ thống đại lý, duy trì tình trạng tài chính lành mạnh với nợ thấp, quản lý chi phí chặt chẽ và phân tích chi phí cụ thể trước khi bán hàng.
Được biết Everpia sẽ lấn sân sang ngành nghề kinh doanh mới bên cạnh việc sản xuất chăn ga gối đệm, ông có thể nói rõ hơn về ngành kinh doanh mới này? Điều này giúp doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng lên bao nhiêu%?
Sản xuất chăn ga gối đệm vẫn là hoạt động chủ lực của Everpia thời gian tới, chúng tôi hiện đang đứng số 1 về thị phần chăn ga (chiếm 25% thị phần cả nước), về sản suất bông (31% thị phần cả nước).
Tháng 10 tới đây chúng tôi triển khai phân phối các sản phẩm nội thất (giường tủ bằng gỗ tự nhiên) và các sản phẩm cho bà nội trợ, hướng tới người có thu nhập cao. Đồ nội thất Everpia chủ yếu chỉ phân phối (bên thứ ba sản xuất) và gỗ là đồ nhập khẩu. Đối với các khách hàng trực tiếp chúng tôi tận dụng số lượng hơn 600 đại lý sẵn có trên cả nước làm kênh phân phối và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng có thể mua nhiều sản phẩm khác nhau tại một cửa hàng.
Đối với các khách hàng khác, chúng tôi phân phối qua các đại lý và cung cấp các sản phẩm cho khách sạn, resort. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ tăng khoảng 5-20% trong các năm tiếp theo. Dự kiến doanh thu các sản phẩm mới trong năm 2014 thu về khoảng 21 tỷ, năm 2015 khoảng 35 tỷ và đến năm 2017 tăng lên khoảng 79 tỷ.
Xin cảm ơn ông.

(Nguồn: Cafef.vn)

 

Trả lời

zalo messanger