Hà Nội vào thu, “mùa chim làm tổ”. Và nhiều người trong đó có những đôi bạn lo hôn sự bắt đầu đổ xô đi mua chăn đệm. Đó chính là cơ hội để những mặt hàng chăn “hàng hiệu giá rẻ” lên ngôi. Nhưng đằng sau những băng rôn, biển, bảng quảng cáo chăn ga gối đệm đại hạ giá là sự thật chẳng chút ngọt ngào…
Hàng xịn – giá rẻ?
Dọc theo một số tuyến đường như đường Láng, Hào Nam mới mở, Xã Đàn, Cầu Giấy hay một số chợ tạm, chợ cóc ở Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện nhiều người bán chăn, ga, gối, đệm trên vỉa hè hoặc trên những chiếc xe bán tải loại nhỏ. Với những dòng quảng cáo bắt mắt như “xả hàng tồn kho giá rẻ” hay “thanh lý giá rẻ”, “giảm giá 70%”… Trong khi đó các cửa hàng chuyên kinh doanh chăn, ga, gối chính hãng chỉ giảm từ 10-20% hoặc nhiều cũng chỉ đến 30%.
Vỏ chăn, ga, gối và đệm được bán với giá rẻ đến bất ngờ. Một chiếc vỏ gối chỉ 30.000 đồng, loại may cầu kỳ hơn là 45.000 đồng. Hoặc một bộ ga bọc kèm hai vỏ gối cũng chỉ 150.000 đồng. Vỏ chăn trần bông một lớp giá 200.000 đồng. Và chỉ cần bỏ ra 700.000 đồng (đây là giá chưa mặc cả) thì đã có được một bộ gồm ga phủ trần bông, chăn trần bông, 2 vỏ gối thường và 1 vỏ gối ôm. Trong khi với một bộ chăn ga như vậy, nếu của chính hãng sẽ lên tới hơn 3 triệu đồng/bộ.
Chăn, ga, gối, đệm “nhập ngoại” được bán trên vỉa hè
Không chỉ có vỏ, mà ngay cả ruột gối cũng chỉ có giá vài chục nghìn. Gối ôm hiệu Everon giá 270.000 đồng/chiếc, còn gối ôm hiệu… gần giống thế, kích thước cũng giống mà chỉ gần 70.000 đồng/chiếc. Vỏ chăn siêu nhẹ cũng được đóng mác hàng chính hãng cũng chỉ có giá từ 170.000 – 200.000 đồng. Đệm mút cũng được bán với giá từ 500.000 – 600.000 đồng/chiếc. Có thể nhận ra, thị trường chăn ga gối đệm giảm giá này chủ yếu diễn ra sôi động vào buổi tối, với la liệt sạp hàng trên vỉa hè, đôi khi xuống cả lòng đường.
Với mẫu mã, màu sắc ưa nhìn, nhiều bộ chăn, ga có vẻ rất “xịn”, rất “chính hãng” nên độ thuyết phục khách hàng khá cao. Khi phóng viên thử hỏi dò vài người bán hàng thì họ cho biết, những mặt hàng này không có nguồn gốc, nhãn mác xuất xứ nên giá mới “mềm” như vậy. Cũng chính vì thế nên khách mua chủ yếu là sinh viên, những gia đình có thu nhập thấp. Thật ra, hầu hết các loại chăn, ga, gối, đệm được bày bán ở vỉa hè đều giống nhau về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Các loại vải để may đều là các loại vải tổng hợp, hơi cứng và ráp nhưng người bán hàng thường khéo léo và nhiệt tình giải thích rằng, chỉ cần giặt một lần cho hết nước hồ thì vải sẽ mềm ngay. Ruột chăn, gối khá mềm, có màu trắng đục.
Theo chúng tôi quan sát, các mặt hàng chăn, ga, gối đệm “bình dân” đều có những nhãn mác khi nhìn qua thì nghĩ là của các hãng nổi tiếng, nhưng khi nhìn kỹ sẽ có những thay đổi như Everon được in thành Eveton hoặc Sông Hồng thành Sonhong; Korea. Một người bán hàng trên đường Láng “tiết lộ” rằng, nhãn mác ghi thế thôi nhưng không phải hàng Hàn Quốc thật, hầu hết các mặt hàng này đều có xuất xứ ở Hà Tây cũ.
“Thiên đường” hàng nhái
Theo lời người bán, phóng viên Báo Năng lượng Mới tìm về tận nơi sản xuất các mặt hàng nhãn mác ngoại nhập. Đến xã Tiền Phong, huyện Thường Tín mới thấy rằng, nơi đây đúng là “thiên đường” của các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm nhái. Chẳng cần phải hỏi đường, cứ đi ngược theo những chiếc xe máy chở chồng chất chăn ga là có thể tìm thấy xã Tiền Phong.
Mới vào tới đầu làng, đã thấy cả loạt biển hiệu “Chuyên chăn, ga, gối. Bán buôn, bán lẻ”. Khắp làng rộn ràng tiếng máy khâu, tiếng máy dập bông. Vào vai người đi tìm mối buôn đồ chăn ga, tôi vào một nhà làm nghề may chăn ga lâu năm. Lân la hỏi chuyện mới biết được giá cả của những mặt hàng này quả là “siêu lợi nhuận”. Chị Hạnh chủ nhà cho biết: “Tôi làm nghề may chăn, ga, gối này lâu rồi, nhưng mô hình kinh doanh thế này chỉ mới rộ lên khoảng 3-4 năm nay thôi. Chúng tôi cứ nhận của khách, khách thích mẫu nào cứ mang đến, chúng tôi làm được tất”.
Những bộ chăn được cho là “hàng tuồn từ công ty ra”, vốn được bán lẻ khoảng 230.000 đồng thì ở đây chỉ bán giá chưa đến 80.000 đồng. Những bộ chăn, ga, gối thường được bán bên ngoài từ 380.000 – 420.000 đồng thì ở đây chỉ chưa đến 150.000 đồng. Một bộ trần bông gồm: chăn, ga phủ, ga bọc, gối và gối ôm “xịn” nhất cũng chỉ chưa đến 500.000 đồng, trong khi đó giá bán ngoài thị trường, dù là “siêu rẻ” cũng lên tới gần 1 triệu đồng. Theo chị Hạnh, nhà chị đắt hàng nhất là đầu mùa lạnh. Đến mức có những khi hàng không đủ bán.
Chị Linh – một người mua buôn tại nhà chị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm chọn hàng: “Lấy hàng bán chỉ lấy loại vừa tiền thôi, chứ lấy loại rẻ tiền thì mua về giặt một lần là vứt đi luôn. Mà chọn hàng này để đưa lẫn vào hàng thật thì chỉ chọn những vải có màu nhờ nhờ, nhã nhã thì mới đắt khách chứ những hàng càng đậm màu thì càng phai nhanh”. Tên các thương hiệu có tiếng về kinh doanh mặt hàng này, như Senae, hay Korea, Everon đều được in thêu đầy đủ. Và khi khách hàng đặt vấn đề làm nhái y hệt từ đường thêu đến mũi chỉ, thì chị Hạnh cũng vui vẻ nhận và nói chắc như đinh đóng cột: “Em cứ mang mẫu về đây, kiểu gì chị cũng làm được hết”. Quả thực, khách hàng yêu cầu đặt mác, mẫu thêu kiểu gì thì cơ sở của chị Hạnh cũng có thể làm được và rất khó để nhận ra nét khác biệt so với hàng công ty.
Khi phóng viên ngỏ ý muốn tìm thêm mối hàng về đệm và ruột chăn thì chị Hạnh giới thiệu ngay một nhà chuyên làm chăn bông. Vừa bước vào không gian sản xuất chăn bông đó, đã thấy cặn bông “xâm nhập” ngay vào mũi, miệng, cổ họng. Tôi ngỏ ý muốn đặt cơ sở làm loại chăn bông kiểu mới, chị Định – chủ “cơ ngơi” đó đã nhận lời và nhiệt tình giới thiệu về các công đoạn, chất liệu sản xuất của mình. Ngạc nhiên và ngỡ ngàng, hóa ra những tấm chăn trông mịn màng kia lại làm từ những sợi bông hóa học thô ráp. Những chiếc chăn mang vỏ “Everon” được làm theo hai “chuẩn” là loại thường và loại “xịn”. Theo chị Định cho biết, loại thường dùng bông hóa học giá thành chỉ 68.000 đồng/ruột chăn, còn loại “xịn” hơn thì khoảng 320.000 đồng/ruột chăn. Bằng cảm quan bình thường, thật khó để nhận thấy sự khác nhau của hai loại bông. Cảm nhận của bàn tay khi đặt lên mỗi loại là “rất rát” và “mềm hơn một chút”.
Tiếp tục tìm đến “mối” mua đệm, chúng tôi mới hiểu ra một lẽ: Không thể tin vào những chiếc đệm “xịn” mang nhãn Korea được bán ngoài thị trường từ 700.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng. Bởi lẽ, ở đây một chiếc đệm thành phẩm chỉ mất khoảng 3-5kg bông và giá thành chưa đến 200.000 đồng/chiếc. Nhìn bề ngoài, kiểu dáng và màu sắc những chiếc đệm ấy giống hệt hàng thật, hàng công ty, nhưng chỉ khi sử dụng người tiêu dùng mới có thể biết được đồng tiền mình bỏ ra có đáng hay không.
“Của rẻ là của ôi”?
Chị Bích Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Hôm trước tôi mua được bộ chăn ga giá rẻ, chỉ hơn 1 triệu đồng. Mang về giặt thì mới tá hỏa vì vải phai, mặt vải sờn, còn có mùi nhựa rất khó chịu. Đắp chưa bao lâu đã bị bật bông và rách”. Quả thực, chất lượng sản phẩm chăn, ga, gối, đệm bán dạo không chỉ nhanh “xuống dốc”, nhiều người tiêu dùng còn bức xúc vì mùi nhựa khó chịu của chăn đệm, khi giặt bị phai màu rất nhiều.
Chị Lan Phương, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tiện lúc đi tập thể dục, thấy chăn ga giá rẻ nên tôi cũng tạt vào ngắm nghía, chọn mua. Hỏi thì người bán hàng giải thích đấy là hàng tuồn từ công ty ra nên giá mới rẻ như vậy. Thấy cũng nhiều tên của các hãng có tiếng nên tôi mua luôn 3 bộ về dùng. Nhưng sau lần đầu tiên giặt sạch để dùng thì chỉ đã đi đường chỉ, màu chăn đã bay đâu hết và nát tươm”. Còn Thanh Hà, tân sinh viên Trường đại học Ngoại thương chán nản nói: “Thấy rẻ nên em đã mua cả một bộ gồm đệm, chăn, ga, gối, ruột chăn. Nhưng đến giờ thì chẳng có cái nào còn nguyên vẹn. Đệm của em sau 1 tháng dùng đã xẹp lép. Còn chăn gối thì cũ nát cứ như dùng lâu không giặt”.
Kinh doanh nhiều năm trong nghề chăn ga, bác Mai – chủ cửa hàng bán chăn, ga, gối, đệm trên phố Hàng Nón cho biết: Các công ty sản xuất đang có chính sách kích cầu mua sắm, giảm giá, khuyến mãi nhằm tăng sức mua. Nhưng khuyến mãi chỉ giảm từ 5-20% là cùng, không thể giảm sâu tới 50%. Vì vậy, để đánh lừa người tiêu dùng, người bán hàng thường mua vỏ chăn của các hãng có thương hiệu, rồi nhét ruột chăn bằng nguyên liệu tái chế rẻ tiền rồi đóng gói đem bán. Vì vậy, cùng một sản phẩm có thể giống hoàn toàn về hình thức nhưng chất liệu bên trong thì khác hẳn.
Chị Nhung – chủ cửa hàng kinh doanh đệm trên đường Chùa Bộc cho biết thêm: Các sản phẩm đệm của Hãng Kymdan, hay Everon đều có những nghiên cứu để giúp người dùng có thể tránh bị đau lưng và hầu hết các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm có thương hiệu lớn đều có hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết hàng giả hàng thật trên website của hãng. Ngoài tem dán chống hàng giả, ở mỗi góc sản phẩm chính hãng đều gắn logo biểu tượng công ty. Ví dụ hàng Canada có hình quốc huy của Canada, hàng Everon có tem Everon và dập chữ nổi Everon, khóa kéo cũng có tên thương hiệu, gắn logo biểu tượng ở góc sản phẩm. Chăn, ga, gối, đệm chính hãng của Hanvico gắn logo biểu tượng của công ty trên một góc sản phẩm, ruột đệm Hanvico có dập chữ nổi Hanvico.
Các sản phẩm đệm, gối Kymdan cũngcó dập chữ nổi Kymdan ở mép đệm, mép gối… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lưu ý, hàng chính hãng thường có chất vải mịn, đường may đều và chắc, các họa tiết rất sắc nét. Nên chọn loại vải cotton sản xuất từ thiên nhiên nên ít hóa chất, mềm và thấm mồ hôi. Không nên chọn hàng polyester – là sản phẩm hóa dầu, không thấm mồ hôi, cứng và khó chịu, độ bền màu kém, ít thoáng khí, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tích tụ, hay bụi, gây ra các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp mãn tính, các dị ứng với hóa chất.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực hóa học, chăn gối làm từ bông tái sinh được bày bán tại một số cửa hàng, vỉa hè rất nguy hiểm cho người sử dụng, do có chứa nhiều vi khuẩn, virus gây ra một số bệnh như hen suyễn, dị ứng da. Hay nhiều bộ có màu sắc bên ngoài hào nhoáng như chất lượng vải kém nên tẩm hóa chất như formandehyt hoặc màu nhuộm có amin thơm dễ gây viêm da, ung thư. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên sử dụng các loại chăn, ga, gối chính hãng, hoặc có nguồn gốc rõ ràng, tránh tình trạng mua hàng giả, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Theo: Petrotimes